Nguyên nhân Thủy_chiến_Tonlé_Sap

Trong thời kỳ đỉnh thịnh suốt thế kỷ X đến XII, chủ trương của triều đình Kampuchea là vun bồi nền văn hóa của mình, đồng thời tận lực mở rộng cương vực ra toàn khu vực Trung-Ấn. Vì thế, các thành quốc trù phú ở duyên hải Nam Trung Bộ là một trong những đích đến của người Kampuchea.

Kể từ năm 967, quốc gia Champa đã hoàn toàn phân rã; dải đất nay là Nam Trung Bộ trở thành chế độ phong kiến với 5 tiểu quốc tự trị, trong đó, Vijaya có vai trò như lãnh tụ của không gian Champa, các tiểu quốc còn lại phải phụng cống xưng thần. Tuy khối Champa chỉ gồm những lãnh địa nhỏ yếu, nhưng cuộc sống rất phát đạt nhờ quảng đại giao thương. Theo ký sự của nhiều khách trú Trung Hoa hoặc Ấn Độ, người Champa luôn ưa thích phục sức bằng vàng ròng, thậm chí thường may lẫn vàng vào áo quần. Vì lẽ đó, dường như người Champa phải trả giá đắt cho chính sự thịnh vượng của mình.

Kampuchea dưới sự cai trị của Suryavarman II đạt tới tột đỉnh huy hoàng. Ngôi đền đồ sộ nhất của kinh đô Angkor được xây dựng trong 37 năm: Angkor Wat, là nơi thờ thần Vishnu. Ông đã xâm chiếm đến nơi hiện nay là cực Bắc Lào, phía Tây thôn tính được vương quốc Haripunjaya (nay là Trung phần Thái Lan) và một khu vực phía viễn Tây vốn thuộc vương quốc Pagan, phía Nam lấn đến vương quốc Grahi (nay là tỉnh Nakhon Si Thammarat của Thái Lan), phía Đông lấn dần rồi đô hộ tất cả các tiểu quốc Champa.